VIÊM NHA CHU

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH VIÊM NHA CHU

Bệnh viêm nha chu là gì?

Viêm nha chu là bệnh nhiễm trùng nướu răng cấp độ nặng, do vi khuẩn và các vi sinh vật khác bám trên bề mặt răng và trong các túi xung quanh răng gây ra. Khi chúng nhân lên, hệ thống miễn dịch phản ứng, dẫn đến viêm quanh chân răng.

Viêm nha chu là bệnh mạn tính với biểu hiện thường thấy là nướu nhiễm trùng nghiêm trọng, dễ chảy máu, chảy mủ, phá huỷ cấu trúc xương nâng đỡ răng, răng lung lay và cuối cùng là mất răng. Có thể nói phần lớn các trường hợp mất răng ở người trưởng thành là do bệnh nha chu gây nên.

Viêm nha chu điều trị rất khó khăn và lâu dài, đòi hỏi có sự hợp tác chặt chẽ và kiên trì giữa bệnh nhân và bác sĩ. Bệnh nha chu có rất nhiều thể bệnh khác nhau, với các giai đoạn tiến triển bệnh khác nhau. Tùy theo từng thể và giai đoạn tiến triển của bệnh mà kết quả điều trị đạt được cũng khác nhau.

Dấu hiệu viêm nha chu
  • Biểu hiện thường thấy là: Nướu viêm đỏ, hôi miệng, dễ chảy máu chân răng, chảy mủ, vôi răng nhiều, tiêu xương ổ răng, răng lung lay, và cuối cùng là mất răng.
  • Các yếu tố nguy cơ làm bệnh nặng lên cũng có rất nhiều như: khấp khểnh răng, không kiểm soát được vệ sinh răng miệng, chải răng không đúng cách, cơ địa…
  • Thay đổi nội tiết tố liên quan đến mang thai hoặc mãn kinh.
  • Sử dụng ma túy, cần sa hoặc thuốc lá điện tử.
  • Một số loại thuốc gây khô miệng
  • Mắc các bệnh làm giảm khả năng miễn dịch, chẳng hạn như bệnh bạch cầu, HIV/AIDS và điều trị ung thư.
  • Một số bệnh như bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp và bệnh Crohn.
  • Vì là bệnh mạn tính nên điều trị không thể khỏi hẳn nhưng có thể kiểm soát được, giúp cho bệnh chuyển từ giai đoạn nặng về giai đoạn nhẹ hơn và không tiếp tục tiến triển nặng thêm. 
Phân biệt viêm nướu và viêm nha chu

Trong viêm nướu, các cấu trúc neo giữ răng tại chỗ vẫn chưa bị mất. Việc vệ sinh răng miệng tốt tại nhà có thể ngăn viêm nướu và phục hồi nướu khỏe mạnh. Nhưng với bệnh viêm nha chu thì khác, một khi ổ viêm gây ra tình trạng mất xương, tổn thương này không thể phục hồi được. 

Điều trị bệnh viêm nha chu như thế nào?

Bước 1: Khám tư vấn phát hiện mức độ của bệnh nha chu

Bước 2: Chụp phim X-quang nếu mức độ nghiêm trọng

Bước 3: Chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với mức độ của bệnh

Mức độ nhẹ

Cạo vôi răng làm sạch mảng bám bằng thiết bị chuyên dụng, vôi răng và mảng bám là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh viêm nướu dần dần phát triển thành bệnh viêm nha chu gây ra tình trạng tụt nướu, tiêu xương, răng lung lay và mất răng.

Sử dụng máy cạo vôi răng siêu âm có nước phun sương liên tục với hai mục đích: không làm tăng nhiệt độ và rửa sạch vôi răng ngay khi bị đánh bật ra khỏi mặt răng, do đó không ảnh hưởng đến tuỷ răng.

Mức độ trung bình cần xử lý gốc răng

Thủ thuật này được dùng để điều trị viêm nha chu không phẫu thuật do bác sĩ răng hàm mặt thực hiện. Cạo vôi và làm sạch gốc răng: người bệnh được gây tê cục bộ sau đó bác sĩ làm sạch vi khuẩn nằm sâu bên dưới nướu, sau đó làm nhẵn chân răng, ngăn mảng bám và vi khuẩn tích tụ thêm. 

Mức độ nghiêm trọng cần phẫu thuật

  • Phẫu thuật vạt: bác sĩ nha chu sẽ rạch một đường dọc theo đường viền nướu và tạm thời nhấc mô nướu khỏi răng, sau đó làm sạch chân răng.
  • Ghép xương răng: nếu bị mất nhiều xương, bác sĩ có thể đề nghị ghép xương. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ đặt vật liệu ghép xương vào những vùng bị mất mô xương. Vật liệu này có thể là xương của chính người bệnh, vật liệu tổng hợp. Mảnh ghép đóng vai trò như một giá đỡ cho sự phát triển của xương mới.
  • Ghép nướu: viêm nha chu khiến mô nướu bị kéo ra khỏi răng, gây tụt nướu, lộ chân răng. Để thay thế mô bị mất quanh răng, bác sĩ có thể đề nghị ghép nướu. Người bệnh được đặt một mảnh ghép mô xung quanh răng bị ảnh hưởng và khâu nó vào đúng vị trí. Mô ghép nướu có thể lấy từ mô vòm miệng của bạn. Phẫu thuật ghép nướu bao phủ chân răng bị lộ, cải thiện vẻ ngoài, nụ cười và giảm nguy cơ tụt lợi thêm.
  • Tái tạo mô có hướng dẫn: nha sĩ đặt một màng tương thích sinh học đặc biệt giữa xương hiện có và răng. Lớp màng này giữ các mô và kích thích xương phát triển trở lại.
Ngăn ngừa giảm thiểu bệnh nha chu?

Để phòng bệnh nha chu, điều quan trọng nhất là đánh răng đều đặn sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ để loại bỏ mảng bám vi khuẩn trên bề mặt răng và khe nướu, sử dụng chỉ nha khoa thay cho tăm để đảm bảo sức khỏe răng miệng. Sáu tháng 1 lần, nên đến nha sĩ khám răng định kỳ và lấy sạch vôi răng, mảng bám ở những nơi bàn chải không làm sạch được.

 

Bs. Hồ Hoàng Trân

Tư vấn miễn phí